Bối cảnh chính trị và quân sự Chiến_dịch_Weserübung

Kể từ sau cuộc chiến tranh Krym, các nước Scandinavia đã theo đuổi chính sách đối ngoại theo nguyên tắc trung lập.[4] Ngay trước chiến tranh thế giới thứ nhất, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đã tổ chức một loạt hội nghị thượng đỉnh, qua đó nhấn mạnh mong muốn trung lập của họ.[5] Tuy nhiên, các bên tham chiến vẫn buộc các nước Bắc Âu phải tham dự một cách gián tiếp vào cuộc chiến: ngay từ năm 1905 cho đến cuối cuộc chiến, cả Anh và Đức đều tìm cách gây sức ép với Na Uy, do vị trí địa lý của đất nước này có thể kiểm soát phía đông của biển Bắc.[6] Thụy Điển và Na Uy đã chuyển giao một phần đáng kể hạm đội tàu buôn của mình cho phe Hiệp ước, Đan Mạch thì bị Đức buộc phải rải mìn phong tỏa ngăn một phần eo biển Storebælt.[5] Vào cuối cuộc chiến, Na Uy theo yêu cầu của Anh đã duy trì trên hải phận của mình các bãi mìn để chống lại tàu ngầm Đức.[7] Sau thất bại của Đức, Đan Mạch giành lại miền bắc Schleswig bị Đức chiếm vào năm 1864.[7]

Vào đêm trước của cuộc chiến tranh thế giới mới, các nước Scandinavia lại tiếp tục chính sách trung lập.[7] Ngày 31 tháng 5 năm 1939 Đan Mạch và Đức đã ký kết một hiệp ước không xâm phạm, còn Thụy Điển và Na Uy đã bác bỏ đề nghị tương tự, do họ không cảm thấy sự đe dọa từ bên kia eo biển.[8]

Kế hoạch của Đồng Minh

Vào đầu mùa xuân năm 1939, Bộ Hải quân Anh bắt đầu nhận định vùng Scandinavia rất có thể sẽ là một mặt trận chiến tranh trong cuộc xung đột tương lai với Đức. Chính phủ Anh lúc này đang khá miễn cưỡng tham gia vào cuộc xung đột trên các vùng khác thuộc lục địa mà họ tin rằng sẽ là một sự lặp lại của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vì vậy họ bắt đầu xem xét về một chiến lược phong tỏa để cố gắng gián tiếp làm suy yếu nước Đức. Nền công nghiệp Đức phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhập khẩu quặng sắt từ các vùng mỏ phía bắc Thụy Điển, và hầu hết số quặng này trong mùa đông được chuyên chở bằng tàu biển qua cảng biển Narvik ở phía bắc Na Uy.[9] Việc kiểm soát bờ biển Na Uy sẽ giúp Anh thắt chặt thêm cuộc phong tỏa chống Đức. Thông qua chính phủ và những hợp đồng tư nhân, vào đầu của cuộc chiến, Anh đã có thể sử dụng các tàu Na Uy với tổng dung lượng đăng ký 2.450.000 tấn (1.650.000 trong đó là tàu chở dầu).[10] Trong khi đó thì người Đức lại một lần nữa không thành công trong việc thâm nhập vào Na Uy bằng cách ký một hiệp định.

Cuối năm 1939, một loạt các sự kiện đã diễn ra: vụ tàu chiến Deutschland Đức bắt giữ tàu buôn City of Flint của Hoa Kỳ trong tháng 10 tại Haugesund; cuối tháng 11, người Na Uy cho phép một con tàu Đức, tàu vận tải Westerwald vào trong cảng quân sự ở Bergen; từ ngày 7 đến 13 tháng 12 ở vùng biển Na Uy tàu ngầm U-boat đã đánh chìm các tàu Thomas Walton, Deptford và Garoufalia, vốn là của Anh, hoặc do người Anh thuê.[11] Tháng 1 năm 1940, Ngoại trưởng Anh Edward Frederick Lindley Wood, đệ nhất bá tước Halifax tuyên bố rằng tình hình buộc nước Anh phải mở rộng cuộc chiến trên lãnh hải của Na Uy.[11] Người Pháp lúc này cũng quan tâm đến việc mở một mặt trận thứ hai nhằm làm chuyển hướng quan tâm của các lực lượng quân đội Đúc Quốc xã (Wehrmacht).[12] Họ đã thành lập một số quân đoàn để điều đến Balkan và Narvik.[13]

Cho đến cuối tháng 11, Winston Churchill, một thành viên mới của Nội các Chiến tranh Đế quốc Anh, đã đề nghị cho tiến hành đặt mìn ở vùng bờ biển Na Uy trong chiến dịch Wilfred. Điều này sẽ buộc các tàu chở quặng phải di chuyển qua hải phận quốc tế thuộc biển Bắc, tại đó Hải quân Hoàng gia Anh có thể tổ chức chặn đánh chúng.Churchill phỏng đoán rằng chiến dịch Wilfred sẽ kích động người Đức phản ứng tại Na Uy. Khi điều đó xảy ra, Đồng Minh sẽ cho thực hiện kế hoạch R 4 và chiếm lấy Na Uy. Nhưng lúc đầu chiến dịch Wilfred bị Neville ChamberlainThống đốc Halifax bác bỏ, do lo sợ sẽ gây ra phản ứng bất lợi từ các quốc gia trung lập như Hoa Kỳ. Trong tháng 11 năm 1940, Chiến tranh mùa Đông bùng nổ giữa Liên XôPhần Lan làm tình hình ngoại giao thay đổi, Churchill lặp lại đề nghị về dự án rải mìn của mình, nhưng một lần nữa bị từ chối.

Trong tháng 12, Anh và Pháp bắt đầu xem xét nghiêm túc về việc gửi viện trợ cho Phần Lan. Họ đã có quyết định phát triển một kế hoạch đánh chiếm các cảng biển Na Uy, đặc biệt là Narvik, để từ đó có thể chiếm các mỏ quặng ở Thụy Điển, cũng như việc hỗ trợ cho Phần Lan.[12] Kế hoạch của họ là giả vờ gửi quân qua Na Uy và Thụy Điển để giúp Phần Lan, nhưng thực sự trọng tâm chính của chiến dịch nằm ở miền bắc Na Uy và Thụy Điển. Các lực lượng sẽ đổ bộ tại Narvik phía bắc Na Uy, cảng biển chính xuất khẩu quặng sắt từ Thụy Điển, rồi tiến quân dọc theo tuyến đường sắt Malmbanan đến Luleå trên vịnh Bothnia, chiếm KirunaGällivare trên đường đi.[14] Đồng thời, nó còn cho phép quân Đồng Minh chiếm giữ khu vực khai thác mỏ quặng sắt của Thụy Điển. Người Anh đã giữ lại 2 sư đoàn từ mặt trận Pháp, với ý định tung họ vào chiến trường Na Uy, và có kế hoạch mở rộng lực lượng lên đến 100.000 người. Người Pháp cũng dự định điều khoảng 50.000 quân. Bộ tham mưu Anh và Pháp nhất trí nửa sau tháng 3 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để tiến vào Na Uy.[15] Kế hoạch nhận được sự ủng hộ từ cả Chamberlain lẫn Halifax. Họ hy vọng vào thái độ hợp tác của Na Uy, điều này sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề về pháp lý. Nhưng khi được thông báo, kế hoạch này đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ ở cả Na Uy và Thụy Điển. Cuộc viễn chinh này vẫn tiếp tục được bàn bạc và đến ngày 12 tháng 3, Anh quyết định phái một đội quân viễn chinh đến Na Uy đúng vào lúc cuộc chiến tranh Mùa đông đang bắt đầu lắng dịu. Đội quân này đã xuống tàu ngày 13 tháng 3, nhưng lại bị triệu hồi - và cuộc hành quân bị hủy bỏ - do Phần Lan đã yêu cầu Liên Xô đàm phán hòa bình, và cuộc chiến Mùa đông kết thúc trong tháng đó. Thay vào đó, ngày 28 tháng 3, LondonParis đã nhất trí tiến hành chiến dịch Wilfred: tiến hành các hoạt động đặt mìn trong vùng biển Na Uy, ở gần NarvikStavanger, đồng thời sẽ cho quân đổ bộ đánh chiếm BergenTrondheim. Tiếp đó, sẽ chiếm quyền kiểm soát các mỏ quặng của Thụy Điển rồi mở mặt trận Scandinavia chống lại Đức. Nhưng ngày 8 tháng 4, khi lực lượng viễn chinh Đồng Minh còn đang ở trên biển thì chiến dịch Weserübung đã bắt đầu.[16]

Kế hoạch của Đức

Những ý tưởng ban đầu

Khu vực Scandinavia giữ một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế Đức. Đức bị phụ thuộc rất nhiều vào nguồn quặng của Thụy Điển: hàng năm họ nhập khẩu từ đây 15.000.000 tấn quặng sắt, chiếm thị phần lớn nhất trong tổng khối lượng sản xuất của Thụy Điển.[17] Người Đức lo lắng một cách có căn cứ về việc quân Đồng Minh sẽ cố gắng ngăn chặn những nguồn hàng này, với 90% trong số đó khởi nguồn từ Narvik. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng nhất của Đức là không có đường biển lớn nào dẫn trực tiếp ra các đại dương trên thế giới, và họ đã phải chịu thiệt hại lớn trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi bị người Anh tiến hành phong tỏa bằng hải quân. Như vậy là đối với người Đức, Na Uy vừa là một căn cứ chìa khóa tiến ra biển Bắc, với đường bờ biển dài là một địa điểm lý tưởng làm nơi khởi hành cho các đơn vị hải quân - trong đó có các tàu ngầm U-boat - tiến ra đánh phá đường hải vận của Đồng Minh tại Bắc Đại Tây Dương, tấn công vào nền thương nghiệp hàng hải của Đế quốc Anh, vừa là con đường quá cảnh cho nguồn quặng tại Thụy Điển, có thể giúp Đức độc chiếm các nguồn quặng sắt vận chuyển qua cảng Narvik.[9] Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Hải quân Đức có ý tưởng đối với các cảng biển Na Uy, đặc biệt là Narvik và Tronheim, và nhiều người trong số họ chỉ ra rằng vị trí bất lợi về địa lý của Đức có thể giải quyết bằng các căn cứ hải quân trên bờ biển của Na Uy và Pháp.[18]

Đại Đô đốc Erich Raeder

Thủ lĩnh của Kriegsmarine (Hải quân Đức Quốc xã), Đại Đô đốc Erich Raeder đặc biệt nhấn mạnh việc chiếm giữ quốc gia này.[19] Ngày 10 tháng 10 năm 1939, Erich Raeder đã thảo luận với Adolf Hitler về mối nguy hiểm do nguy cơ từ việc Anh Quốc có thể đặt được các căn cứ quân sự tại Na Uy gây ra,[20] cũng như khả năng chiếm giữ trước các căn cứ đó của Đức. Raeder lập luận rằng việc sở hữu Na Uy sẽ cho phép Đức kiểm soát cả vùng biển xung quanh và đem lại một căn cứ tiến công phục vụ cho các hoạt động chống lại Anh của lực lượng tàu ngầm trong tương lai.[9] Vào thời điểm này, các bộ phận khác trong quân đội Đức không tỏ ra hứng thú với kế hoạch, và Hitler lại vừa ban hành một chỉ thị nêu rõ rằng mối quan tâm chính hiện nay là dành cho một cuộc tấn công trên bộ qua Vùng đất thấp. Ngay cả bộ tham mưu Kriegsmarine cũng phản đối mạnh mẽ, và kết quả là Raeder phải đồng ý rằng giải pháp tốt nhất là giữ nguyên trạng nước Na Uy trung lập.[21]

Tuy vậy, Hitler đã bắt đầu thay đổi cách nhìn về cuộc tấn công Na Uy khi chiến tranh Liên Xô-Phần Lan bùng nổ tháng 11 năm 1939. Ngày 14 tháng 12 năm 1939 Hitler đã ra lệnh cho Bộ tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Đức (OKW) bắt đầu bí mật lên kế hoạch cho cuộc xâm lăng Na Uy.[22] Kế hoạch sơ bộ được mang tên Studie Nord và được lên kế hoạch trên nền tảng một cuộc tấn công đồng thời trên Mặt trận phía Tây, vì vậy nó chỉ được phân bổ một số lượng tối thiểu các đơn vị tham chiến gồm Sư đoàn Bộ binh Sơn chiến số 3, do thiếu tướng Eduard Dietl chỉ huy, và một số trung đoàn dự bị.[23] Từ ngày 14 tháng 1 đến 19 tháng 1 năm 1940, Hải quân Đức đã tham gia cải tiến mở rộng kế hoạch này. Trong bản dự thảo kế hoạch trình bày ngày 20 tháng 1 năm 1940 họ đã xác định ra hai yếu tố chủ chốt: thứ nhất là yếu tố bất ngờ cần thiết để giảm thiểu sự kháng cự của Na Uy (cũng như can thiệp của Anh); thứ hai là phải sử dụng các tàu chiến nhanh hơn thay vì các tàu buôn có tốc độ chậm để vận chuyển quân. Điều này sẽ cho phép tất cả các mũi tiến công có thể thực hiện cùng một lúc, không bị hạn chế như khi sử dụng tàu vận chuyển.[24] Kế hoạch mới này cần đến cả một quân đoàn, bao gồm 1 sư đoàn sơn chiến, 1 sư đoàn không vận, 1 lữ đoàn súng trường cơ giới, và 2 sư đoàn bộ binh. Nếu các mục tiêu tấn công đồng loạt bị chiếm đóng, sẽ có thể làm suy yếu Na Uy về khía cạnh quân sự và chính trị, và hoàn thành được các mục tiêu chiến lược do Hitler đề ra. Các mục tiêu đó là:[25]

Kế hoạch còn đòi hỏi việc bắt giữ chớp nhoáng các quốc vương của Đan Mạch và Na Uy với hy vọng ép đối phương phải nhanh chóng đầu hàng.

Ngày 27 tháng 1 năm 1940, Bộ Tổng tư lệnh Lục quân Đức (OKH) đã thành lập một bộ tham mưu riêng biệt để phát triển kế hoạch, và đặt mật danh sau cùng cho bản kế hoạch là Weserübung - cuộc diễn tập trên sông Weser[26] (do lực lượng tấn công Na Uy - mục tiêu chính của chiến dịch - chủ yếu khởi hành từ các khu vực BremenWilhelmshav nằm gần cửa sông Weser).

Hitler giờ đã tỏ ra quan tâm nhiều hơn về chiến dịch này và tiếp tục mở rộng việc triển khai xây dựng kế hoạch. Sau đó có một sự kiện xảy ra đã góp phần củng cố quyết tâm của Hitler.[27]

Ngày 16 tháng 2, tàu khu trục HMS Cossack của Anh đã tấn công tàu vận tải Đức Altmark trên hải phận Na Uy (sự kiện Altmark), giải cứu các tù binh chiến tranh bị giam giữ trái với công ước quốc tế trên tàu (tàu Altmark có nghĩa vụ phải phóng thích tù binh khi đi vào lãnh thổ trung lập). Hitler cho đây là biểu hiện rõ ràng rằng cho ý định vi phạm sự trung lập của Na Uy của Anh, qua đó càng tăng cường thúc đẩy mạnh mẽ cuộc xâm lược.[9] Sự kiện Altmark cũng làm giảm hẳn sự phản đối kế hoạch này, và từ đó việc chuẩn bị cho chiến dịch được thông qua.[28]

Bổ nhiệm Falkenhorst

Nikolaus von Falkenhorst

Ngày 19 tháng 2 năm 1940 Hitler ra lệnh tăng tốc kế hoạch chiến dịch Weserübung. Ngày hôm sau, đoan chắc rằng người Anh hiện đang nhằm vào Na Uy, ông ta đã phê chuẩn việc điều quân cho chiến dịch này. Tướng Alfred Jodl đã lưu ý Hitler rằng nhiệm vụ này thậm chí còn chưa có người chỉ huy. Wilhelm Keitel đề xuất nên chỉ định tướng Nikolaus von Falkenhorst. Mặc dù Hitler cảm thấy không an tâm về những sĩ quan quý tộc, nhưng Falkenhorst lại rất có kinh nghiệm về điều kiện chiến trường vùng cực Bắc do ông đã từng là tham mưu trưởng cho tướng Rüdiger von der Goltz trong cuộc Nội chiến Phần Lan năm 1918 (tuy nhiên trước đây ông mới chỉ chuyên chỉ huy các lực lượng trên bộ). Falkenhorst được Hitler triệu tập vào ngày hôm sau.[27]

Trong cuộc gặp ngày 21 tháng 2 Hitler đã hỏi Falkenhorst về kinh nghiệm chiến đấu của ông ở Phần Lan và giao cho ông nhiệm vụ nhanh chóng phác thảo một kế hoạch chinh phục Na Uy. Theo tướng Alfred Jodl cuộc phỏng vấn không có gì hơn một màn độc thoại dài dòng của Hitler về tầm quan trọng của Na Uy đối với Đức cũng như về tình hình các điều kiện hiện tại. Hitler giờ đã tỏ ra rất hứng thú với kế hoạch này. Falkenhorst chỉ được nghe nói về một phần nội dung các kế hoạch trước đó, do chỉ thị của Hitler và do nguyên tắc giữ bí mật. Bí mật đến nỗi ông còn không được sử dụng bản đồ của Văn phòng Chiến tranh, và buộc phải ra hiệu sách mua một cuốn sách hướng dẫn du lịch về Na Uy của nhà xuất bản Baedeker trên đường về khách sạn để xây dựng kế hoạch. Ông gặp lại Hitler lúc 17h00 hôm đó với kế hoạch sơ thảo trong đó dự định sẽ huy động 5 sư đoàn để đánh chiếm Na Uy.[27]

Bản dự án của Falkenhorst có nhiều điểm tương đồng với kế hoạch Studie Nord của Đô đốc Theodor Krancke trước đó (Kranck cũng sử dụng cùng một cuốn sách của nhà xuất bản Baedeker khi lên kế hoạch). Hitler đã thông qua bản dự thảo và bổ nhiệm Falkenhorst làm nhiệm vụ thực hiện chiến dịch này trong tối hôm ấy. Theo như Jodl thì Falkenhorst đã nhiệt tình tiếp nhận nhiệm vụ, nhưng sau chiến tranh Falkenhorst đã phủ nhận việc ông đã đặc biệt hứng thú với công việc này.[27]

Hoàn thiện kế hoạch

Ngày 24 tháng 2, Tổng hành dinh Quân đoàn 21 Đức dưới quyền Falkenhorst bắt đầu phát triển một kế hoạch chi tiết,[29] và 5 ngày sau đã trình cho Hitler bản dự án đã được hoàn thành.[30] Chiến dịch này phụ thuộc vào việc đánh chiếm được một cách nhanh chóng các cảng của Na Uy,[18] và nét đặc biệt chủ yếu của kế hoạch là tiến hành những cuộc đổ bộ chớp nhoáng đồng thời tại các thành phố trọng yếu mà có thể không cần sử dụng vũ lực.[31] Kế hoạch được tiến hành bởi cả ba binh chủng hải lục không quân. Lục quân bao gồm Sư đoàn Sơn chiến số 3 cùng với 5 sư đoàn bộ binh, không sư đoàn nào trong số này từng có kinh nghiệm chiến đấu. Kế hoạch bố trí ban đầu là sẽ cho các Sư đoàn Bộ binh 69, 163, Sư đoàn Sơn chiến số 3 đổ bộ tấn công đầu tiên, tiếp theo là các Sư đoàn Bộ binh 181, 169 rồi đến Sư đoàn bộ Binh 214.[31] 3 đại đội lính dù sẽ được huy động để chiếm giữ các sân bay. Sau đó có quyết định gửi thêm Sư đoàn Sơn chiến số 2 đến tăng cường cho chiến dịch tại Na Uy. Do địa hình bất lợi làm giảm hiệu quả chiến đấu của lục quân, nên người Đức sẽ chỉ tấn công vào các cảng chính chứ không tìm cách kiểm soát vùng núi hiểm trở của đất nước.[20]

Raeder kiến nghị nên điều quân đổ bộ trước ngày 7 tháng 4, tức là trước khi màn đêm ở vùng cực kết thúc.[32] Trong cuộc họp ngày 2 tháng 4, Hitler đã ấn định "ngày Weser" (ngày đổ bộ) là 9 tháng 4.[33] Đức cũng đã thiết lập mối liên hệ với nhà lãnh đạo Đảng Quốc gia Xã hội Na Uy Vidkun Quisling, tuy nhiên đối với chiến dịch quân sự, điều này không có tác dụng gì nhiều,[34] do đảng này không được đa số công chúng Na Uy ủng hộ.[20]

Chiến dịch này huy động gần như tất cả tàu quân sự và hạm đội tàu buôn của Đế chế thứ ba.[35] Các tàu vận tải dự kiến sẽ đổ quân tại các cảng bị chiếm giữ ngay sau cuộc đổ bộ, do đó, đội tàu đến Narvik phải khởi hành trước 6 ngày so với "ngày Weser".[30] Các tàu chiến sẽ lên đường 3 ngày sau đó, để đảm bảo đúng thời điểm mặc định bắt đầu chiến dịch như dự kiến.[30] Hải quân Đức lần đầu tiên triển khai các đơn vị vận tải lớn, do đó tàu ngầm được sử dụng để bảo đảm an toàn cho quá trình hành quân và trước những tấn công có thể diễn ra sau khi đổ bộ.[36] Hầu hết các chiến dịch tàu ngầm tại Đại Tây Dương đều phải dừng lại để huy động tàu ngầm cho chiến dịch này, và toàn bộ lực lượng tàu ngầm đó - trong đó có một số tàu huấn luyện - đã được sử dụng trong chiến dịch Hartmut hỗ trợ cho chiến dịch Weserübung.

Hạm đội tàu nổi bao gồm những lực lượng sau đây: các thiết giáp hạm ScharnhorstGneisenau, tiểu chiến hạm Lützow, 2 tàu tuần dương hạng nặng và 4 tàu tuần dương hạng nhẹ, 14 khu trục hạm, 7 tàu phóng ngư lôi.[37]

Kế hoạch ban đầu là nhằm mục đích xâm chiếm Na Uy và giành quyền kiểm soát các sân bay Đan Mạch bằng con đường ngoại giao. Nhưng Hitler đã cho ban hành một chỉ thị mới ngày 1 tháng 3 đòi hỏi phải xâm chiếm cả Na Uy và Đan Mạch, mặc dù việc vi phạm tính trung lập của một quốc gia khác được xem là không thích hợp về mặt chính trị. Điều này là do yêu cầu của Không quân Đức đòi hỏi phải chiếm lấy các căn cứ không quân và các vị trí để đặt chốt cảnh báo phòng không, cũng như việc tiếp tế cho các đội quân ở Na Uy phải cần đến các sân bay tại Jutland, và điều đó cũng cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông hàng hải trên các eo biển của Đan Mạch.[23] Một đơn vị trực thuộc chỉ huy cấp cao, Quân đoàn 31, được thành lập để đánh chiếm Đan Mạch, gồm 2 Sư đoàn Bộ binh 170, 198 và Lữ đoàn Súng trường Cơ giới 11.[31]

Không quân Đức được phân công: vận chuyển lính nhảy dù và quân bộ tại Aalborg, Oslo, Kristiansand, StavangerBergen, bảo vệ đội tàu và tiến hành các cuộc không kích yểm trợ cho lục quân.[38] Những nhiệm vụ này được giao cho Quân đoàn Không quân số 10 của trung tướng Hans Ferdinand Geisler với hơn 1.000 máy bay các loại.[39] Lực lượng này bao gồm các phi đội chiến đấu số 4, 26, 30, cụm phi đội chiến đấu số 100, 3 đơn vị phòng không độc lập, 1 tiểu đoàn lính dù, 7 đội không quân, 1 đội bộ binh, và hạm đội tàu vận tải hàng hải.[39]

Các khu vực phụ trách được phân công như sau:[40]

  • Nhóm tàu "Phương Đông" (Đô đốc Rolf Carls): phụ trách vùng biển Skagerrak;
  • Nhóm tàu "Phương Tây" (Đại Đô đốc Alfred Saalwächter): chỉ huy ở biển Bắc và hải phận Na Uy;
  • Quân đoàn 21 (đại tướng Nikolaus von Falkenhorst): phụ trách lãnh thổ Na Uy sau khi đổ bộ;
  • Quân đoàn 31 (tướng Leonhard Kaupisch): tấn công Đan Mạch;
  • Quân đoàn Không quân số 10 (trung tướng Hans Ferdinand Geisler): hỗ trợ các hoạt động trên bộ ở cả Na Uy và Đan Mạch.

Trong chiến dịch này, hai nhóm tàu được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Hải quân, Quân đoàn 31 trực thuộc Quân đoàn 21, Quân đoàn Không quân số 10 trực thuộc Bộ tư lệnh Không quân.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Weserübung http://www.feldgrau.com/norwegian.html http://hem.fyristorg.com/robertm/norge/ http://www.seekrieg.de/1940/weseruebung/ksg04.htm http://www.cultours.dk/presse/besettelsen-af-danma... http://www.jewmus.dk/mitzvah_1.asp?language=uk http://www.milhist.dk/besattelsen/9april/9april.ht... http://www.archives.gov/research/holocaust/finding... http://www.history.army.mil/books/70-7_0.htm http://www.history.army.mil/books/70-7_02.htm http://mosinnagant.net/finland/samione.asp